[TUYỂN TẬP KẾT BÀI HAY] ĐẤT NƯỚC – NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Ngày 24/11/2020 21:15:52, lượt xem: 5985

[TUYỂN TẬP KẾT BÀI HAY] ĐẤT NƯỚC – NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Đã từ lâu, đề tài về quê hương, đất nước trở thành cảm xúc bất tận của thơ ca Việt Nam. Mỗi người, mỗi góc nhìn để nói về đất nước. Có người chọn góc nhìn kì vĩ của dáng hình, hay cảm xúc về lịch sử từ các triều đại thì Nguyễn Khoa Điềm lại chọn cho mình sự gần gũi, bình dị để miêu tả đất nước thân yêu. Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm đã gợi cho người đọc những nét đẹp về văn hoá, truyền thống, phong tục mang đậm dấu ấn con người Việt Nam. Để có một bài nghị luận văn học trọn vẹn về tác phẩm này, không thể thiếu một kết bài ấn tượng. Vì vậy, hãy tham khảo các dưới đây kết bài của Học văn chị Hiên nhé!

KB1:

Đất Nước là một đoạn trích hay nhất trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Thi phẩm ấy không chỉ khẳng định tài năng thơ phú của nhà thơ mà còn qua đó nói lên được tiếng nói của người công dân yêu nước với tình yêu sâu nặng, mãnh liệt “như máu xương của mình”. Những năm tháng hào hùng của dân tộc gắn bó trong những vần thơ của Nguyễn Khoa Điềm đến vậy. Và tư tưởng và Nguyễn Khoa Điềm truyền tải đến người đọc chẳng phải giống như Nguyễn Đình Thi đã từng ghi lại trong một thi phẩm của mình hay sao:

“Ôm đất nước những người áo vải

Ðã đứng lên thành những anh hùng.”

 

KB2:

Có một tư tưởng về đất nước được vẽ lên bình yên từ những điều giản dị. Có một hình ảnh đất nước được lý giải với những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết ngày xửa ngày xưa. Có những giá trị của một đất nước được cắt nghĩa từ một không gian tình tứ như chuyện tình của đôi lứa, uyên ương. Tất cả những điều này, được Nguyễn Khoa Điềm truyền tải trọn vẹn trong trích đoạn “Đất Nước" của mình. Cuộc chiến tranh chống Mỹ gian khổ đã làm con người xích lại gần nhau, tất cả đều hướng đến nhiệm vụ chung cao cả để bảo vệ Tổ Quốc. Tình yêu và trách nhiệm cao cả ấy trong thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng chính là quyết tâm của cả một thời đại: “Thời đại của chúng tôi là thời đại của những thanh niên xuống đường chiếm lĩnh từng tầng cao của mái nhà, của ngọn đồi, của nhịp cầu để bắn toả lương tâm lên bầu trời đầy giặc giã” (Chu Lai).

KB3:

Trích đoạn “Đất Nước” trong trường ca “Mặt đường khát vọng" là sự lý giải hoàn hảo cho những thắc mắc của đọc giả về câu hỏi: “Đất nước có từ bao giờ và đất nước là của ai?” Một cách cắt nghĩa, giải thích đầy mới mẻ. Chẳng phải nơi chúng ta đang sống, mọi thứ quanh mình, đều là những gì thuộc về đất nước hay sao. Và những câu hỏi thắc mắc về quê hương, đất nước mình vẫn còn là những điều bỏ ngỏ, để bạn đọc không ngừng tìm kiếm những điều mới lạ ấy, sự thú vị ấy trong thơ văn.

“Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều"

Học văn chị Hiên mong rằng những kết bài trên đây sẽ giúp các bạn viết nên những kết bài hay của riêng mình cũng như một bài văn nghị luận văn học về tác phẩm này. Để theo dõi thêm các kiến thức và bài học bổ ích, hãy theo dõi ngay: Học văn chị Hiên.

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

------------------------

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn ☘☘☘

 

Tin liên quan